Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Vụ việc 3 học sinh “tè bậy” bị đuổi học : Hãy công bằng với giáo dục !

Dư luận như con dao hai lưỡi, nếu không tỉnh táo tiếp nhận sự việc thì quả là tai hại. Vụ đuổi học 3 học sinh lớp 9 của Ban giám (BGH) hiệu Trường THCS Vũ Tiến (huyện Vũ Thư , tỉnh Thái Bình) là một ví dụ điển hình. Nhiều báo “giật tít” (đặt tiêu đề) đại loại : 3 học sinh bị đuổi học vì “tè” bậy; tố cáo lạm thu, 3 học sinh bị hiệu trưởng đình chỉ 6 tháng ; 3 học sinh bị đuổi học vì “tè” bậy - phụ huynh kêu cứu Bộ Giáo dục và Đào tạo... 

    Họ mặc định cho rằng lãnh đạo nhà trường quá đáng, các em học sinh này bị kỷ luật oan uổng. Đọc đơn “kêu cứu” của phụ huynh để rồi phán xét rằng phụ huynh đúng, nhà trường sai. Nếu như thế khác gì trong vụ kiện, nguyên đơn luôn đúng, bị đơn luôn sai, cần gì chánh án, cần gì quan tòa ?          
    Sự thật đâu phải thế. Nhiều báo chưa điều tra đến nơi đến chốn, chỉ nghe từ một phía nên vội vã quy chụp, thiếu khách quan.         
    Các em này “tè” bậy trên tầng ba, chứ không phải dưới đất, một hành vi cố ý chứ không phải vô tình. BGH trường THCS Vũ Tiến chỉ kỷ luật các em này bằng hình thức cảnh cáo và bắt các em này xách nước giội rửa để “khắc phục hậu quả”, chứ đâu có đuổi học các em vì chuyện này.          
    Theo ông Phạm Xuân Định, hiệu trưởng nhà trường giải trình trên các báo, trong số các em “tè” bậy, có một em là Trần Văn Thanh (lớp 9A) sau đó bị đình chỉ học 1 tuần vì tiểu tiện nhiều lần ra chiếu nghỉ (hành vi rất vô văn hóa) và đánh nhau gây thương tích cho một học sinh khác (khâu 5 mũi).          
    Em này không tiến bộ nên sau đó tiếp tục bị đình chỉ học tập 2 tuần vì liên tục đi học muộn, bỏ học 12 tiết, không mặc đồng phục, đốt hương trong lớp, đánh bạn, đe dọa một thầy giáo. Sau kỷ luật, nhà trường đã khép hồ sơ để các em yên tâm học tập.           
    Rõ ràng, sự vi phạm của em Thanh là nghiêm trọng, coi thường nề nếp kỷ cương trường học. Mức kỷ luật của nhà trường không có gì là quá đáng, khắt khe, thậm chí còn rất nhân văn, thể hiện sự kiên trì trong giáo dục học sinh.            
    Đáng trách hơn là các em này từ tháng 5.2015 đến tháng 1.2016 đã 5 lần dùng sơn viết lên tường phòng học tố cáo hiệu trưởng ăn cắp, tham ô, hủ hóa. Không dừng lại ở đó, các em lại thêm hai lần in, rải tờ rơi tố cáo, vu khống hiệu trưởng ăn cắp, hủ hóa, tham ô. Các tờ rơi các em không chỉ rải trong trường, UBND xã, mà còn rải ngoài chợ.           
    Công an huyện Vũ Thư đã vào cuộc, điều tra làm rõ và đã có kết luận các em này chính là thủ phạm. Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư sau đó tiếp tục thanh tra tài chính nhà trường và kết luận  sự tố cáo các em là không có cơ sở.           
    Nội dung và tính chất sự việc các em vi phạm nói trên là vô lễ, vu khống nghiêm trọng, vi phạm có hệ thống, xúc phạm danh dự, uy tín của người thầy và nhà trường. Căn cứ Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh (Thông tư 08), các em này bị rơi vào khung đuổi học một năm. 
    Sở dĩ hội đồng kỷ luật trường THCS Vũ Tiến áp dụng mức kỷ luật đuổi học 6 tháng là muốn giảm nhẹ cho các em. Thực ra, theo Thông tư 08, không có mức kỷ luật nào là 6 tháng mà chỉ có 5 mức : khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm. Việc nhà trường giảm mức kỷ luật 1 năm xuống 6 tháng, giảm nhẹ mức kỷ luật đối với học sinh là hoàn toàn trong phạm vi cho phép. 
    Thiết nghĩ, một hiệu trưởng như ông Định với hơn 30 năm làm trong ngành giáo dục và 21 năm làm quản lý chắc chắc không thể làm sai quy trình được. Một hiệu trưởng không thể quyết định đuổi học một học sinh. Theo Thông tư 30, nhà trường phải mở hội đồng kỷ luật đủ các thành phần : đại diện BGH, đại diện Hội phụ huynh của trường, đại diện Hội phụ huynh của lớp, đại diện BCH đoàn thanh niên, đại diện ban thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng, giáo viên chủ nhiệm, học sinh vi phạm, phụ huynh và một giáo viên uy tín, có kinh nghiệm giáo dục học sinh cùng tham gia. 
    Theo quy trình, học sinh vi phạm đọc bản tường thuật, bản kiểm điểm, phụ huynh và các thanh viên trong hội đồng nêu ý kiến. Sau đó, hội đồng kỷ luật hội ý (trừ phụ huynh và học sinh vi phạm), bàn bạc, phân tích nội dung vi phạm của học sinh và mức kỷ luật trên tinh thần Thông tư 30. Cuối cùng hội đồng bỏ phiếu kín về mức kỷ luật đối với học sinh, lấy số phiếu cao nhất làm kết quả của hội đồng.          
    Thông tư 08 đã quy định chặt chẽ như vậy, khi xét kỷ luật một học sinh là quyết định chung của tập thể hội đồng kỷ luật, không một ai có thể áp đặt.    
    Chuyện “3 học sinh bị đuổi học vì “tè” bậy” đã ngã ngũ, rõ ràng. Cần có cái nhìn công bằng với giáo dục, cái ngành “làm dâu trăm họ”. Đành rằng giáo dục hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn, phải mổ xẻ, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực để “lành mạnh”, tiến bộ hơn. Trong vấn đề này có sự góp phần đáng kể của báo chí và độc giả.                                                                                                           
    Lê Xuân Chiến     
    GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng 
    huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
    Theo nguồn: news.skydoor.net

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét